Mô hình tôm – lúa: Tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long (10-10-2024)

Tình trạng sụt lún và xói mòn bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên nghiêm trọng do khai thác nước ngầm và khai thác cát quá mức. Cùng với đó, mực nước biển dâng cao (ước tính khoảng 3mm/năm) càng làm cho tình hình trở nên trầm trọng. Nhìn vào tốc độ chìm xuống của Đồng bằng sông Cứu Long ở mức 4,3cm/năm, nhiều người có thể thấy đây là con số không đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét đến thực trạng hầu hết cả vùng đồng bằng chỉ cao hơn mực nước biển 1m thì đây sẽ là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nước biển đã thâm nhập vào đất liền hơn 70 km, so với chỉ 20 km của vài năm trước.
Mô hình tôm – lúa: Tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long
Ảnh minh họa

Rõ ràng là sinh kế của nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rủi ro bởi sự xâm nhập mặn ngày càng tăng. Hầu hết các loại cây trồng, nhất là cây lương thực và cây ăn quả không thể phát triển trong môi trường nước mặn. Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Tài nguyên Nước Việt Nam ước tính rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang mất 3 tỷ USD mỗi năm do tình trạng xâm nhập mặn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nông dân mà còn đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia và thế giới vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong khu vực.

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước phong phú, nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua ở Đồng bằng sông Cửu Long. Song, quá trình phát triển nóng đã khiến ngành nuôi tôm tại đây phải sớm đương đầu với các thách thức vì mật độ thả nuôi cao đã dẫn đến chất lượng nước giảm và dịch bệnh gia tăng.

Thích nghi với các thách thức tự nhiên

Mô hình tôm – lúa là giải pháp giúp người nông dân trồng lúa và nuôi tôm thích nghi với điều kiện xâm nhập mặn ngày càng tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tương lai cho những người nông dân chăm chỉ tại đây.

Mô hình canh tác tôm-lúa kết hợp trồng lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích đất theo cách tích hợp và sáng tạo, giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất và các điều kiện đầu vào của quá trình sản xuất, đồng thời giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mô hình này giúp cung cấp nguồn nguyên liệu tôm chất lượng cao nhờ việc tạo ra môi trường sống tự nhiên cho tôm trong ruộng lúa. Qua đó, các chất thải từ cả hai quá trình sản xuất là trồng lúa và nuôi tôm đều được tận dụng trong một chu trình sản xuất khép kín tuần hoàn.

Thức ăn của tôm chủ yếu từ môi trường tự nhiên (ruộng lúa) nên chi phí thức ăn thấp. Tôm nuôi ít bị dịch bệnh, có chất lượng cao do ít dùng hóa chất, kháng sinh. Mặt khác, chất thải từ tôm nuôi chính là nguồn dinh dưỡng cho lúa, nhờ đó, môi trường sinh thái được bảo vệ. Mô hình tôm – lúa không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần hạn chế rủi ro của quá trình sản xuất tới môi trường.

Với mô hình tôm – lúa, tôm sẽ được thả nuôi vào mùa khô khi nước biển xâm nhập mạnh nhất. Đến mùa mưa, khi gió mùa mang mưa và nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về, đó là thời điểm để quay lại trồng lúa. Điểm đặc biệt của hệ thống này là hiểu được chuyển động tự nhiên của nước mỗi mùa để khôi phục năng suất ở những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng xâm nhập mặn. Thay vì liên tục đấu tranh để ngăn nước mặn tràn vào các cánh đồng lúa, hệ thống này chỉ cần thuận theo dòng chảy và tận dụng tối đa lượng nước mặn có sẵn.

Hệ thống canh tác kép

Vào mùa khô, nước biển chảy vào đất liền khiến vùng đồng bằng ven biển không thích hợp để trồng lúa, nhưng đây lại là môi trường lý tưởng cho nuôi tôm. Tôm, đặc biệt là tôm sú (Penaeus monodon), có thể được nuôi bằng cách sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ các sinh vật thủy sinh trú ngụ trong rễ cây lúa của vụ trước đang phân hủy. Các chất thải của cây lúa, rơm rạ và vỏ trấu tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho các sinh vật thủy sinh, cung cấp chế độ ăn bổ dưỡng đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của tôm nuôi. Sự lưu thông và phát triển của các chất dinh dưỡng, vi sinh vật và động vật thủy sinh giữa các hệ sinh thái nước mặn và nước ngọt tạo ra điều kiện lý tưởng để cả tôm và lúa phát triển mạnh. Hệ sinh thái có hàm lượng muối cao tiêu diệt hầu hết các bệnh trên cây lúa, nhờ đó không cần sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón khi trồng lúa. Hiện nay, hai giống lúa ST24 và ST25 đang được trồng tại các ruộng nuôi tôm nhờ đặc tính chịu được mặn và có mùi vị thơm ngon đặc biệt.

Vào mùa mưa, nước mưa biến các ao nuôi tôm trở lại thành những cánh đồng lúa tươi tốt. Chất dinh dưỡng, chất thải tôm và bông cặn làm giàu cho các cánh đồng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên để thúc đẩy sự phát triển của lúa. Nước ngọt chảy vào, đến lượt nó, tiêu diệt các mầm bệnh từ hệ sinh thái mặn, cho phép nuôi tôm mà không cần thuốc hoặc thức ăn nhân tạo, hoàn toàn dựa vào các điều kiện tự nhiên. Chu kỳ luân phiên giữa hai mùa nước (mặn – ngọt) và hai môi trường sống tương phản có nhiều lợi thế, thúc đẩy sự cân bằng và bền vững trong canh tác. Mỗi thành phần đóng vai trò vừa là đầu ra vừa là đầu vào cho nhau trong một hệ thống khép kín, tối ưu hóa nguồn tài nguyên.

Mối quan tâm về vấn đề sinh thái

Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa cũng gây ra mối quan tâm về vấn đề sinh thái khi nước lợ dùng để nuôi tôm sẽ làm tăng thêm độ mặn của đất. Tuy nhiên, với việc người dân sử dụng kỹ thuật rửa mặn đặc biệt vào mùa mưa ở các vùng nuôi tôm - lúa sẽ giúp giảm độ mặn trong ao nuôi tôm xuống mức bằng 0 mà không cần bơm nước ngọt vào. Người dân địa phương sử dụng nước mưa để rửa trôi muối trong các ao nuôi tôm và phương pháp này hiện vẫn đang cho hiệu quả tốt. Kết quả đo nước trong các giếng khoan cho thấy không có sự xâm nhập của nước mặn vào các hồ chứa nước ngầm. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm – lúa thường được khuyến khích phát triển ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn nặng.

Đặc điểm thích ứng cao và độc đáo của mô hình canh tác lúa - tôm đã biến nó thành một hệ thống thân thiện với môi trường và có thể được mở rộng quy mô thử nghiệm sang các khu vực khác ngoài đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, nơi tình trạng xâm nhập mặn đang trở thành vấn đề đối với người nông dân trồng lúa.

Lợi ích kinh tế

Lúa trồng trong các ruộng nuôi tôm chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước, với giá thành cao hơn khoảng 80% so với các giống lúa khác. Tôm nuôi cũng có giá bán cao hơn do sản phẩm được canh tác theo mô hình tiên tiến, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường có yêu cầu cao về tính bền vững như Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo một nghiên cứu độc lập về mô hình đầu tư cho mô hình lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long mới được WWF thực hiện, kết quả khi so sánh phương pháp độc canh với phương pháp canh tác tích hợp cho thấy:

• Mô hình 1: Chỉ trồng lúa (giống ST24, ST25). Lợi nhuận trung bình 656 USD/ha/năm

• Mô hình 2: Chỉ nuôi tôm sú. Lợi nhuận trung bình: 1.353 USD/ha/năm

• Mô hình 3: Nuôi luân canh tôm sú và lúa (đồng thời vẫn thu hoạch được một số cua biển trong mùa nước mặn và tôm càng xanh trong mùa nước ngọt). Lợi nhuận trung bình: 2.650 USD/ha/năm

Bên cạnh lợi thế về kinh tế, mô hình nuôi tôm – lúa còn giúp người nông dân ít phải đối mặt với rủi ro trong sản xuất vì ít nguy cơ bệnh tật hơn so với phương pháp độc canh hoặc thâm canh. Nhờ vào những lợi thế riêng, mô hình canh tác tôm - lúa có thể tạo ra các hệ thống canh tác tích hợp và bền vững hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như những nơi bị nước biển xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền để giúp người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu và những thách thức khác mà con người đang phải đối mặt.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác